Hoạt động của IPP2

IPP2 là đơn vị khởi xướng, kết nối, hỗ trợ thực hiện các ý tưởng nhằm củng cố và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và kinh doanh tại Việt Nam. IPP2 hỗ trợ các hoạt động mới và kết nối hợp tác đổi mới sáng tạo trong phạm vi Việt Nam, khu vực và quốc tế.

IPP2 đã và đang hợp tác với nhiều đối tác quan trọng trong nước và quốc tế nhằm phát triển hoạt động đào tạo thực tiễn về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam cũng như cải thiện các chương trình, các cơ chế hỗ trợ ở địa phương đối với doanh nghiệp sáng tạo mới.
Chúng tôi đang hỗ trợ cho các nhóm đối tượng mục tiêu sau:

  • Doanh nghiệp khởi nghiệp tăng trưởng nhanh của Việt Nam;
  • Các tổ chức phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp;
  • Các trường đại học và các tổ chức giáo dục khác tại Việt Nam;

Các hoạt động chính mà IPP2 đã thực hiện từ năm 2015 đến nay:

1. Tài trợ cho các dự án đổi mới sáng tạo

Các dự án được IPP2 hỗ trợ từ năm 2015 bao gồm 18 dự án của các công ty đổi mới sáng tạo tăng trưởng nhanh và 14 dự án liên kết phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Hỗ trợ của IPP cho các dự án này bao gồm tài trợ tài chính (theo 2 giai đoạn) và các hỗ trợ mềm khác về đào tạo, tư vấn và xây dựng mạng lưới hợp tác. 

2. Xây dựng năng lực

2.1. Hoạt động nâng cao năng lực cho các cán bộ hoạch định chính sách cấp cao

Từ năm 2015, IPP đã tập huấn cho hơn 100 các nhà hoạch định chính sách cấp cao của Việt Nam vềquản lý đổi mới sáng tạo, khoa học, công nghệ, giáo dục và tài chính cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Phần Lan và Singapore. Đồng thời, IPP còn mời nhiều chuyên gia và tư vấn quốc tế cao cấp tới Việt Nam làm việc với các cơ quan trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, mang những kiến thức và kinh nghiệm quốc tế để xây dựng các chính sách hỗ trợ cũng như triển khai các hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho Việt Nam. IPP cũng mời các chuyên gia hàng đầu thế giới tới Việt Nam thuyết trình về chính sách cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm cung cấp những kiến thức và tư duy mới cho đội ngũ cán bộ quản lý của Bộ KH&CN, Sở KH&CN, các Bộ, ngành liên quan về bối cảnh quốc tế, các xu hướng quốc tế, bài học thực hành tốt nhất và kinh nghiệm của các quốc gia phát triển, trong đó có Phần Lan, về quản lý hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, quản lý KH&CN; từ đó, đóng góp tốt hơn cho chất lượng và hiệu quả của các chính sách phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo gắn với tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững ở Việt Nam.

2.2. Các khoá đào tạo về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp

a. Khóa đào tạo Chuyên gia tư vấn về Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp (ToT1)

ToT1 là một chương trình đào tạo về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong 8 tháng dành cho 12 chuyên gia tư vấn Việt Nam. Chương trình ToT1 bao gồm 02 tháng đào tạo chuyên sâu với các giảng viên quốc tế và 06 tháng thực hành cố vấn kinh doanh. Bốn giảng viên đến từ châu Âu và Mỹ cùng với một nhóm trợ giảng trong nước đã tham gia đào tạo và và hỗ trợ thực hành cho các học viên. Ngoài ra, các học viên còn được tham dự các buổi chia sẻ kinh nghiệm hàng tuần với các khách mời trong nước và quốc tế là các doanh nhân thành đạt, các nhà đầu tư thiên thần, nhà đầu tư mạo hiểm và các chuyên gia tư vấn khởi nghiệp. Học viên tham dự khoá đào tạo đều là những người có kinh nghiệm làm việc hoặc học tập lâu năm ở nước ngoài đến từ các doanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các cơ quan chính phủ và các trường đại học của Việt Nam.

b. Chương trình Đào tạo Tăng tốc Đổi mới sáng tạo (IAP)

Chương trình Đào tạo Tăng tốc Đổi mới Sáng tạo của IPP2 là một chương trình đào tạo trong 6 tháng nhằm giúp các dự án tăng tốc trong hoạt động đổi mới sáng tạo và nâng cao khả năng mở rộng ra thị trường quốc tế. Đây là một chương trình đào tạo được tiêu chuẩn hoá và thiết kế riêng dựa trên một chương trình giảng dạy toàn diện kèm theo các hoạt động tư vấn, kết nối kinh doanh và tìm nguồn tài trợ cho 22 dự án tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng – Huế đã được IPP2 hỗ trợ.

Các hoạt động của IAP bao gồm (1) Các hội thảo đào tạo về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp với sự tham gia của các giảng viên giàu kinh nghiệm trong nước vào quốc tế, cũng như 12 chuyên gia tư vấn của chương trình ToT1; (2) Cơ hội gặp gỡ các cố vấn kinh doanh, các nhà đầu tư, nhà tài trợ, các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp trong nước và quốc tế; (3) Bootcamp khởi động, Demo Day giữa kỳ và cuối kỳ và nhận Chứng chỉ hoàn thành chương trình đào tạo.

c. Khóa đào tạo Giảng viên nguồn về Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp (ToT2)

Chương trình Đào tạo giảng viên đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (TOT2) là một phần kế hoạch hợp tác của IPP2 với các trường đại học nhằm tăng cường vai trò của đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam. ToT2 tập trung cung cấp cho học viên phương pháp giảng dạy và cách tiếp cận hiện đại về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Tham gia giảng dạy chương trình là
các giảng viên giàu kinh nghiệm đến từ Phần Lan và Hoa Kỳ.

Mục tiêu của ToT2 gồm:

  • Đào tạo giảng viên nguồn về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp
  • Đưa chương trình đào tạo về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp vào giảng dạy trong trường đại học
  • Thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các trường đại học Việt Nam

Sau 02 tuần đào tạo tập trung với các chuyên gia quốc tế của IPP. các trường dành 06 tháng để phát triển Chương trình giảng dạy về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp theo nhu cầu và khả năng của mỗi trường và triển khai chương dưới các hình thức khác nhau như:

  • Chương trình chính khóa bậc đại học
  • Chương trình cao học
  • Chương trình đào tạo giảng viên đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp
  • Chương trình đào tạo doanh nghiệp
  • Các chương trình bổ trợ khác như trại hè sinh viên, thi khởi nghiệp…

Các trường đã tham gia khóa ToT2 năm 2016 của IPP gồm:

1. Đại học Bách Khoa Hà Nội
2. Đại học Ngoại thương
3. Đại học FPT
4. Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh
5. Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh
6. Đại học Tài chính – Marketing
7. Đại học Công nghệ Sài Gòn
8. Đại học Bách Khoa Đà Nẵng
9. Đại học Nha Trang
10. Đại học Đà Lạt
11. Cao đẳng Công nghiệp Huế
12 Trường Quản lý Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) – dự thính

d. Các khóa đào tạo ToT theo mô hình hợp tác

IPP đã và đang triển khai hợp tác với nhiều đối tác để nhân rộng các khóa đào tạo ToT trên phạm vi toàn quốc như: Khóa ToT2-HCM hợp tác với SIHUB dành cho 33 học viên từ 6 trường đại học khu vực TPHCM, Khóa ToT2-Hà Nội hợp tác với Đại học Bách Khoa Hà Nội và Đại học Ngoại thương dành cho 27 học viên từ 13 trường đại học khu vực miền Bắc và sắp tới sẽ là các khóa ToT tại Đà Nẵng (hợp tác với DNES) và Huế(hợp tác với Cao đẳng Công nghiệp Huế).

3. Phát triển hợp tác đổi mới sáng tạo

IPP nỗ lực phát triển các hoạt động hợp tác về đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế,  tạo thuận lợi cho việc thiết lập các mối quan hệ đối tác giữa các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước với nhau và với thế giới,  tạo thuận lợi cho việc hình thành quan hệ đối tác dựa trên thương mại giữa Việt Nam với Phần Lan. IPP đã tài trợ cho nhiều cá nhân và đơn vị tham dự các hoạt động và sự kiện lớn của khởi nghiệp thế giới.