Mời các trường đại học & các tổ chức giáo dục nộp đề xuất hợp tác

Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP) là một dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) được đồng tài trợ bởi chính phủ Việt Nam và Phần Lan. IPP xin trân trọng kính mời các trường đại học và các tổ chức giáo dục nộp đề xuất tham gia Chương trình Hợp tác Đào tạo về Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp.

Mục tiêu của IPP trong chương trình này là tăng cường vai trò của giáo dục đại học trong Hệ thống Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIS) với trọng tâm là xây dựng năng lực cho các trường. Công cụ chính được IPP sử dụng trong quá trình hợp tác là một chương trình giảng dạy mở về Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp do IPP phát triển, đã được ứng dụng trong Khoá đào tạo Chuyên gia Tư vấn Đổi mới Sáng tạo (ToT1) và Chương trình Đào tạo Tăng tốc Đổi mới Sáng tạo (IAP). Chương trình giảng dạy này sẽ được các trường tiếp nhận và phát triển thêm trên cơ sở nhu cầu cụ thể của từng trường. Chương trình hợp tác này sẽ bao gồm một khoá đào tạo tập trung dành cho các giảng viên (ToT2), cung cấp các tài liệu đào tạo, hỗ trợ tư vấn, hỗ trợ từ các chuyên gia quốc tế và hỗ trợ kết nối. Tùy thuộc vào cam kết của mỗi đối tác, IPP sẽ thảo luận về các hoạt động hợp tác mở rộng và khả năng cấp hỗ trợ tài chính nhằm thúc đẩy việc triển khai các chương trình giảng dạy, đào tạo và kết nối.

Đây là chương trình dành cho các trường đại học, các cơ sở giáo dục và đào tạo từ cả khối công lập và tư thục. Các tổ chức giáo dục nước ngoài muốn tham gia phải có giấy phép hoạt động chính thức tại Việt Nam. Để đăng ký tham gia chương trình hợp tác này, xin vui lòng gửi Đề xuất và các Phụ lục theo mẫu dưới đây kèm theo và CV của những người được cử tham gia khóa đào tạo. 

Tải Mẫu Đề xuất tại đây

Tải Mẫu Phụ lục tại đây.

Đề xuất phải được viết bằng tiếng Anh, bản mềm gửi đến hòm thư info@ipp.vn, bản in gửi đến Văn phòng IPP qua đường bưu điện muộn nhất là ngày 09/05/2016.

Hồ sơ phải gồm đầy đủ các văn bản trên mới được xét duyệt.

Trong quá trình chuẩn bị đề xuất, các ứng viên có thể vào trang FAQ để xem phần các câu hỏi thường gặp và giải đáp. Nếu không tìm thấy phần giải đáp cho câu hỏi của mình, ứng viên có thể gửi email tới IPP theo địa chỉ info@ipp.vn


 

Chi tiết về phạm vi hỗ trợ, tiêu chí lựa chọn và thời gian:

Phạm vi hỗ trợ

IPP tập trung hỗ trợ xây dựng năng lực cho các trường bao gồm các hỗ trợ về chuyên môn, đào tạo và huấn luyện trong thời gian triển khai khoá đào tạo ToT2.

Chương trình hợp tác này không phải là một gói tài trợ, vì vậy IPP chỉ hỗ trợ có giới hạn về mặt tài chính để tạo điều kiện cho các trường đối tác tham gia Chương trình giảng dạy về Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp và thực hiện các hoạt động đào tạo khác dựa trên Chương trình Giảng dạy này, chẳng hạn như tổ chức các hội thảo, các khoá tập huấn… tại trường.

IPP có thể cân nhắc hỗ trợ nhất định về mặt tài chính đối với những hoạt động do các trường đối tác thực hiện trong quá trình phát triển/áp dụng chương trình giảng dạy trên.

Tiêu chí lựa chọn

  • Cam kết và kế hoạch dài hạn của các trường trong việc áp dụng Chương trình Giảng dạy về Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp;
  • Năng lực của trường, bao gồm các giáo trình hiện có; năng lực của cán bộ/giảng viên liên quan đến lĩnh vực kinh doanh và đổi mới sáng tạo; cơ sở hạ tầng của trường; năng lực thu hút các sinh viên tiềm năng; chất lượng sinh viên;
  • Có liên kết chặt chẽ với các ngành công nghiệp và sẵn sàng đóng góp nhiều hơn vào hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia;
  • Năng lực tài chính và tiềm năng thu hút các nguồn lực cần thiết;

Mỗi trường đề cử ít nhất 02 người tham gia khoá TOT2 (không giới hạn số lượng đề cử). IPP sẽ lựa chọn tối đa 04 người/trường theo các tiêu chí như sau:

–  Sử dụng thành thạo tiếng Anh;

–  Có kinh nghiệm giảng dạy / đào tạo về kinh doanh, đổi mới sáng tạo hoặc các nội dung khác có liên quan;

–  Có kinh nghiệm kinh doanh thực tế là một điểm cộng.

Lộ trình thực hiện

Unicollab timeline infographic

Khoá Đào tạo Giảng viên về Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp

09/05/2016: Hạn nộp Đề xuất hợp tác;

Tháng 5/2016: Lựa chọn đối tác;

Tháng 6, 7/2016: Thảo luận với các đối tác về kế hoạch hợp tác;

Tháng 7/2016 – tháng 1/2017: Triển khai Khoá đào tạo ToT2, bao gồm:

–  Đào tạo tập trung 02 tuần (toàn thời gian), tập trung vào việc giới thiệu Chương trình Giảng dạy về Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp và lên kế hoạch về các hoạt động đồng sáng tạo nhằm áp dụng và phát triển Chương trình Giảng dạy này tại mỗi trường;

–  Triển khai các hoạt động đồng sáng tạo. Các cán bộ tham gia ToT2 trở về trường để thực hiện các dự án của từng trường, thiết kế/điều chỉnh Chương trình Giảng dạy về Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp cho phù hợp với mục đích của trường. Các trường sẽ được nhận hỗ trợ từ các chuyên gia quốc tế và Việt Nam. Mỗi tháng các trường đối tác sẽ tổ chức hoạt động theo 1 chủ đề, chẳng hạn như Sáng tạo Giá trị, Quản lý Đổi mới Sáng tạo, Xây dựng Mô hình Kinh doanh, Truyền thông Doanh nghiệp v.v… Các trường đối tác sẽ tổ chức hội thảo đào tạo cho cộng đồng hàng tháng về các chủ đề này để tiếp nhận phản hồi từ các khách hàng tương lai.

Tháng 2-12/2017: Sau khoá ToT2, IPP sẽ tiếp tục hỗ trợ các trường đối tác triển khai các hoạt động khác dựa trên chương trình đào tạo mà mỗi trường đã thực hiện thí điểm.