Hà Nội, ngày 26 tháng 4 năm 2016 – 5 dự án doanh nghiệp khởi nghiệp tăng trưởng nhanh và 2 dự án phát triển hệ thống hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sẽ nhận được khoản tài trợ giai đoạn 2 trị giá 100,000 Euro/dự án; ngoài ra, 10 dự án mới về phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sẽ được nhận các khoản tài trợ ban đầu của IPP2 trong năm 2016.
Nhằm thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở Việt Nam, năm 2016, Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2) tiếp tục tài trợ nâng cấp cho các dự án đổi mới sáng tạo đã được IPP2 lựa chọn hỗ trợ từ năm 2015 và tài trợ mới cho các dự án phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp năm 2016. Đây là cam kết và thông điệp mạnh mẽ của IPP2 trong việc góp phần tích cực cải thiện môi trường hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở Việt Nam, thúc đẩy sự hình thành và phát triển của lực lượng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng cao vươn ra thị trường quốc tế.
Sau quá trình đánh giá khắt khe đối với 22 dự án đã được nhận tài trợ ban đầu từ năm 2015, IPP2 đã lựa chọn 7 dự án xuất sắc nhất, trong đó có 5 dự án doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và 2 dự án phát triển hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp để tiếp tục tài trợ nâng cấp (với mức tài trợ tối đa là 100,000 Euro/dự án). Ông Lauri Laakso – Cố vấn trưởng Chương trình cho biết: “Ban đánh giá độc lập gồm các chuyên gia quốc tế và trong nước đều thống nhất nhận định rằng các dự án doanh nghiệp đổi mới sáng tạo được lựa chọn đã trình diễn được mô hình kinh doanh hiệu quả và năng lực liên kết nội nhóm mạnh, minh chứng được khả năng tăng trưởng cao, mở rộng thị trường cũng như tư duy kinh doanh quốc tế. Ngoài ra, 2 dự án phát triển hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp được lựa chọn là các dự án có kết quả hoạt động tốt trong 9 tháng nhận tài trợ ban đầu, nhóm thực hiện dự án thực sự tâm huyết và cam kết mạnh mẽ, mô hình dự án có khả năng nhân rộng để tạo ảnh hưởng lớn hơn”. Đối với các dự án không được lựa chọn tài trợ tiếp trong đợt này, IPP2 sẽ tiếp tục cung cấp các hỗ trợ mềm khác như mời tham gia các hội thảo, diễn đàn và được tiếp cận mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp của Chương trình.
Đối với đợt kêu gọi tài trợ mới năm 2016 cho các dự án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, IPP2 đã nhận được 49 hồ sơ đề xuất tài trợ, trong đó có 39 hồ sơ hợp lệ được đưa vào vòng đánh giá toàn diện. Trên cơ sở đó, IPP2 đã lựa chọn được 10 dự án xuất sắc nhất để cung cấp tài trợ ban đầu với mức tối đa 50,000 Euro/dự án. Đây là các nhóm dự án liên danh thể hiện thành công tầm nhìn, năng lực và tính khả thi của dự án khi xác định và giải quyết trúng các nhu cầu khởi nghiệp ở Việt Nam; đưa ra được các cách tiếp cận mới, nhân tố mới hoặc sáng kiến mới nhằm đóng góp cho sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp và nền kinh tế Việt Nam trên phạm vi quốc gia hoặc vùng miền địa phương.
“Năm 2015, IPP2 tập trung vào các hoạt động xây dựng năng lực và hợp tác đối tác quốc tế thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Trong năm 2016, IPP2 sẽ tiếp tục tài trợ bổ sung cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng trưởng cao, hỗ trợ các dự án liên danh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đồng thời tăng cường kết nối với các đối tác quốc tế về hỗ trợ khởi nghiệp. Bên cạnh đó, IPP2 cũng chú trọng triển khai hoạt động hợp tác với các trường đại học và các cơ sở giáo dục để đưa chương trình đào tạo về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp vào giảng dạy ở các trường”, bà Trần Thị Thu Hương – Giám đốc Chương trình IPP2 chia sẻ.
Đánh giá về hiệu quả tài trợ của IPP2, Ông Nguyễn Hoàng Long – thành viên sáng lập của Hamona, dự án đã nhận được tài trợ ban đầu của IPP2 trong năm 2015 và được lựa chọn tiếp tục hỗ trợ giai đoạn 2 nhấn mạnh: “Với khoản tài trợ bổ sung từ IPP2, chúng tôi sẽ sử dụng để nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên, mở rộng các hoạt động marketing và tối ưu hoá quy trình sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường quốc tế đối với sản phẩm của Hamona”. Là một doanh nhân khởi nghiệp đầy tham vọng với mục tiêu xây dựng một thương hiệu mạnh cho nông sản Việt Nam với sản phẩm dừa tươi nguyên trái chiếm lĩnh thị trường quốc tế, Ông Long đánh giá cao tầm quan trọng của hoạt động đào tạo và cố vấn kinh doanh của IPP2 đối với doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua Chương trình Đào tạo Tăng tốc Đối mới Sáng tạo năm 2015, giúp phát triển tầm nhìn của doanh nghiệp và nâng cao năng lực cho các nhóm dự án.
Chia sẻ về dự án Chương trình tăng tốc kinh doanh Catapult – dự án phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp mới được IPP2 lựa chọn tài trợ trong năm 2016, ông Pietro Karjalainen, Giám đốc điều hành Finnsea cho biết: “Khác với mô hình tăng tốc kinh doanh truyền thống, chúng tôi sẵn sàng đưa ra các chương trình được thiết kế theo nhu cầu nhằm tăng cơ hội thành công cho doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp khởi nghiệp có nhu cầu và mục tiêu khác nhau. Chúng tôi sẽ cung cấp các giải pháp riêng có nhằm kết hợp hài hòa giữa thông lệ đầu tư quốc tế với văn hóa kinh doanh của người Việt Nam”.
Danh sách 05 dự án công ty ĐMST được tài trợ Giai đoạn 2 như sau:
Tên dự án | Tên ứng viên | Mô tả dự án |
Beeketing – Nền tảng tiếp thị cho trang web thương mại điện tử | Công ty Cổ phần Brodev Việt Nam | Nền tảng tiếp thị tự động cho phép các cửa hàng trực tuyến nhỏ thiết lập hệ thống tiếp thị bán hàng như Amazon |
ABIVIN – Phân tích và Tối ưu hoá Dữ liệu lớn | Công ty Cổ phần Abivin Việt Nam | Cung cấp giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông phân tích dữ liệu lớn cho các tập đoàn và các tổ chức chính phủ. |
ezCloud – Hệ thống quản lý khách sạn toàn diện | Công ty Cổ phần Công nghệ ezCloud toàn cầu | Hệ thống quản lý khách sạn cho các khách sạn từ 1 đến 3 sao và hệ thống đặt phòng trước. |
Hamona – Dừa tươi cao cấp | Công ty TNHH Hamona Việt Nam | Kinh doanh dừa tươi nguyên trái, đem đến cho khách hàng một sản phẩm tự nhiên có thể sử dụng ngay. |
Phát triển và thương mại hóa nền tảng giáo dục thông minh tức thời (SEN) | Công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục thông minh quốc tế – SEN TECHS | Nền tảng học tập tương tác trực tuyến |
Danh sách 02 dự án hệ thống ĐMST được tài trợ giai đoạn 2 như sau:
Tên dự án | Tên ứng viên | Mô tả dự án |
Phát triển hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng | Đại học Đà Nẵng | Hợp tác tổng thể của thành phố nhằm thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới, phát triển 2 vườn ươm. |
Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội Đà Nẵng (DISED) | ||
Công ty Hỗ trợ Doanh nghiệp Đà Nẵng – DNES | ||
Fablabs Vietnam – Phát triển mạng lưới phòng thí nghiệm chế tạo tại Việt Nam | Công ty TNHH Conech | Mạng lưới phòng thí nghiệm chế tạo ở Việt Nam |
Công ty TNHH NoBo | ||
Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội | ||
Công ty TNHH VENTI |
Danh sách 10 dự án phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp được nhận tài trợ mới năm 2016 như sau:
Tên dự án | Tên ứng viên | Mô tả dự án |
Xây dựng mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần được công nhận để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam (iAngel) |
Công ty Cổ phần Capella Việt Nam; Hội Doanh nghiệp Trẻ Hà Nội; Công ty Cổ phần Kiến trúc – Nội thất Open House; |
Hình thành một cộng đồng gồm hơn 80 nhà đầu tư thiên thần thuộc các lĩnh vực khác nhau, tổ chức đào tạo và kết nối họ với các doanh nghiệp khởi nghiệp được đào tạo và có đủ điều kiện. |
Ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực Mê Kông – Việt Nam – Asean (SIMVA) |
Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ – Đại học Cần Thơ (CTBI – CTU); Công ty TNHH ATNM; Dự án Phát triển Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa tỉnh Sóc Trăng (do Vụ Ngoại giao, Thương mại và Phát triển Canada tài trợ) |
Ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực Mê Kông – Việt Nam – Asean. |
Mạng lưới đổi mới sáng tạo doanh nghiệp và khởi nghiệp khu vực Đồng bằng sông Mê Kông và Cần Thơ | ETM Partners | Mạng lưới đổi mới sáng tạo doanh nghiệp và khởi nghiệp khu vực đồng bằng sông Mê Kông và Cần Thơ |
Mekongprosales Greenland; | ||
Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Cần Thơ; | ||
Hệ thống Đổi mới sáng tạo và Hệ sinh thái khởi nghiệp tại Thừa Thiên – Huế | Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Cộng hưởng (CoPlus); | Hệ thống Đổi mới sáng tạo và Hệ sinh thái khởi nghiệp tại Thừa Thiên – Huế |
Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế (HUEIC); | ||
Sở Kế hoạch và Đầu tư (DPI) – Tỉnh Thừa Thiên – Huế | ||
Vườn ươm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong ngành cơ khí đổi mới sáng tạo |
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh TP Hồ Chí Minh (VCCI-HCM); Liên minh các doanh nghiệp cơ khí đổi mới sáng tạo; Trường Cao đẳng Hoa Sen; |
Thiết lập một vườn ươm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong ngành cơ khí đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao kỹ năng thực tế của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong ngành cơ khí và các ngành có liên quan. |
Xây dựng nền tảng hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp phục vụ hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam | Trung tâm Dịch vụ Công nghệ cao Hòa Lạc; | Xây dựng nền tảng triển khai các doanh nghiệp khởi nghiệp để hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam |
Đại học Việt Nhật – Đại học Quốc gia; | ||
Công ty Cổ phần Đầu tư Công nghệ và Giải pháp Môi trường Việt Nam (VNSE); | ||
Nền tảng ươm mầm đổi mới sáng tạo xã hội (SIIP) | Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng; | Một nền tảng ươm mầm trực tuyến cho tất cả các đơn vị đổi mới sáng tạo xã hội mong muốn được hỗ trợ đầy đủ để phát triển các ý tưởng của mình. |
Công ty TNHH Habataku; | ||
Trường Đại học Hà Nội; | ||
Nâng cao năng lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam |
Viện Tin học Doanh nghiệp – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (ITB- VCCI); Quỹ Phát triển Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa (SMEDF); Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) |
Phát triển một bộ quy trình và hoạt động tổng thể để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia từ nhiều phương diện. |
Chương trình tăng tốc khởi nghiệp Catapult | Công ty TNHH Xuất Nhập khẩu Đại Khánh (FINSEA) | Chương trình tăng tốc khởi nghiệp để chuẩn bị cho các nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam vươn ra quốc tế trong tương lai với những hỗ trợ được thiết kế riêng kèm theo các hoạt động song song như thu hút các nhà đầu tư, giáo dục và xây dựng năng lực. |
Công ty TNHH WEDIDIT SOLUTIONS | ||
IMAS | ||
Proself | ||
Vườn ươm khởi nghiệp HATCH! | Công ty TNHH Alpine (HATCH); | Chương trình ươm tạo với mô hình kết hợp giữa ươm mầm với cấp vốn mồi có chuyên gia nội bộ hỗ trợ để tạo nên doanh nghiệp khởi nghiệp. |
Khởi nghiệp trẻ Việt Nam (VYE); | ||
Augmented Ventures; | ||
Công ty TNHH LK Servico; |
Về IPP2
Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam – Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2) là Chương trình hỗ trợ phát triển chính thức được đồng tài trợ bởi Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Phần Lan với cơ quan chủ quản là Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Ngoại giao Phần Lan. Chương trình được triển khai trong 4 năm, 3/2014 – 2/2018, với ngân sách 11 triệu Euro và hướng tới mục tiêu chính là phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam nhằm đóng góp có hiệu quả cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp trong tương lai gần.
Để có thêm thông tin về IPP2 và các Chương trình tài trợ, xin vui lòng liên hệ:
Ms. Vũ Thị Hảo
Điện thoại: 04.39393982/ext. 246
Email: info@ipp.vn
Website: www.ipp.vn
Facebook: http://www.facebook.com/ippfivn