Với những chính sách mạnh mẽ đầu tư cho phát triển khởi nghiệp, chỉ sau một thời gian ngắn, thành phố Đà Nẵng đã xây dựng được một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo sôi động và có tiềm năng của khu vực ASEAN.
Mạng lưới khởi nghiệp sôi động
Ông Võ Duy Khương, Chủ tịch Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp TP. Đà Nẵng, cho biết khởi nghiệp tại Đà Nẵng chỉ được biết đến nhiều từ năm 2015 đến nay. Trước đó tại Đà Nẵng hầu như không tồn tại bất cứ một hệ sinh thái khởi nghiệp nào, có chăng chỉ là một số câu lạc bộ khởi nghiệp nhỏ lẻ ít được biết đến tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, với sự tư vấn của các chuyên gia về khởi nghiệp trong nước và quốc tế, chính quyền TP đã có những chính sách mạnh mẽ và cách làm sáng tạo dựa trên điều kiện và thế mạnh của địa phương để xây dựng mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động tại TP bên sông Hàn.
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, nhận thức được vai trò quan trọng của khởi nghiệp, UBND TP đã thành lập Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp vào năm 2015, Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng 2016, phê duyệt đề án phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. TP cũng ban hành quyết định tạo trụ sở làm việc, kinh phí hoạt động, hỗ trợ xúc tiến, kết nối tạo ra các nguồn lực về tài chính, hỗ trợ nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc tại Vườn ươm doanh nghiệp,…với mong muốn thúc đẩy phong trào khởi nghiệp tại Đà Nẵng.
Nhờ đó, hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng đã có những khởi sắc. Đến nay, Hội đồng điều phố mạng lưới khởi nghiệp TP đã quy tụ, kết nối được một mạng lưới khởi nghiệp đa dạng và rộng khắp với các thành viên đại diện cho nhiều thành tố quan trọng của hệ sinh thái như các sở, ngành, các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu, vườn ươm, câu lạc bộ khởi nghiệp, các doanh nghiệp và cơ quan truyền thông.
Các tổ chức ươm tạo lần lượt ra đời, tiêu biểu là Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng, Fablab Đà Nẵng, Trung tâm sáng tạo Đà Nẵng (DinHub), Vườn ươm khởi nghiệp và sáng tạo; cùng với đó là các câu lạc bộ khởi nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng của thành phố lần lượt hình thành, giúp khuyến khích và mở rộng phạm vi hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng.
Thành phố cũng đã có được nhiều không gian làm việc chung như DNC, Hexagon, Enouvo Space, The Hub và Bizcovery. Trong đó DNC thuộc Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng là không gian làm việc chung có quy mô, là địa chỉ quan trọng, nơi gặp gỡ, kết nối các thành viên của cộng đồng khởi nghiệp để cùng nhau sáng tạo, phát triển ý tưởng mới.
Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) Trần Vũ Nguyên, khẳng định với sứ mệnh giúp đỡ các startup, DNES nói riêng và Đà Nẵng nói chung luôn sẵn sàng đón các bạn khởi nghiệp trên toàn thế giới đến thành phố Đà Nẵng lập nghiệp. Từ năm 2016 đến nay, DNES đã tổ chức được 5 khoá ươm tạo với hơn 35 startup được hỗ trợ.
Nhiều ý tưởng được ươm tạo, nảy mầm
Theo ông Võ Duy Khương, với sự ra đời của các tổ chức ươm tạo, hàng loạt các chương trình ươm tạo, tăng tốc đã được triển khai thu hút một số lượng đáng kể các dự án khởi nghiệp tại Đà Nẵng và các địa phương lân cận. Trong số đó có chương trình ươm tạo hoàn chỉnh kéo dài 6 tháng của Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng và chương trình ươm tạo 12 tháng của Trung tâm sáng tạo Đà Nẵng được xây dựng và hoàn thiện dựa trên những điều kiện, đặc điểm kinh tế của địa phương và nhu cầu của các nhóm khởi nghiệp.
Các dự án và doanh nghiệp khởi nghiệp của thành phố cũng đã bắt đầu gặt hái được các thành quả nhất định. Một số dự án đã thắng được các giải cao trong các cuộc thì khởi nghiệp đối mới sáng tạo của cả nước gồm AntBuddy, Minh Hong, S&E, một số khác cũng đã thành công trong việc gọi vốn đầu tư như Zody, Hekate…
Anh Thống Lê Anh Tuấn, CEO dự án Zody chia sẻ, với sự hỗ trợ tích cực của TP Đà Nẵng, các startup được phát triển năng lực cá nhân, được kết nối với nhà đầu tư, kể cả những quỹ đầu tư lớn, tạo cơ hội lớn để các startup gọi được vốn đầu tư và phát triển mạnh mẽ. Từ đây chúng tôi có niềm tin sẽ khởi tạo được những sản phẩm của mình và góp phần làm cho hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng ngày một sôi động, bùng nổ hơn.
Hiện nay, UBND TP Đà Nẵng tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm các mô hình mới nhằm thúc đẩy phát triển khởi nghiệp có chiều sâu. Theo đó, đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với các ưu tiên gồm: Xây dựng văn hoá khởi nghiệp; hoàn thiện và ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp và tái khởi nghiệp; đẩy mạnh hoạt động của các vườn ươm doanh nghiệp; xây dựng và phát triển mạng lưới đào tạo khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo nhằm tăng cường kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp cho thanh niên, sinh viên có say mê khởi nghiệp.
Mở rộng hợp tác, liên kết nâng cao năng lực, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp; nhân rộng mô hình hợp tác 3 bên: Chính quyền, trường học và doanh nghiệp.
Ngoài ra, TP sẽ tăng cường thu hút các nguồn lực, đặc biệt là nhân lực quốc tế đến Đà Nẵng để biến thành phố thành một trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bên bờ biển; lựa chọn các lĩnh vực mà Đà Nẵng có lợi thế nhất để phát triển khởi nghiệp và tập trung đặc biệt cho các lĩnh vực này, đó là những ý tưởng về phát triển du lịch thông minh và phát triển thành phố thông minh.
Bài gốc được đang trên Báo Chính Phủ